MÔ HÌNH 7S CỦA MC KINSEY LÀ GÌ?

Mô hình quản trị 7S của MC Kinsey được phát minh vào cuối những năm 70 thế kỷ XX, nhưng cho đến tận ngày nay, mô hình này vẫn được nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ sử dụng.

Vậy mô hình 7S của MC Kinsey là gì? Hãy cùng Khởi nghiệp 24H tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé.

1. Mô hình 7S của MC Kinsey là gì?

Mô hình 7S của MC Kinsey là một trong những công cụ hoạch định chiến lược phổ biến nhất. Các doanh nghiệp thường sử dụng nó để phân tích các yếu tố bên trong có ảnh hưởng đến sự thành công của tổ chức.

Mô hình 7S của MC Kinsey bao gồm 7 yếu tố có mối quan hệ chặt chẽ với nhau mà mọi doanh nghiệp cần liên kết, củng cố chúng để xây dựng một thương hiệu thành công. Vậy 7S này là gì? Cụ thể, 7S này là bao gồm những chữ S viết tắt của 7 nhân tố trong mô hình và được chia thành 2 nhóm sau:

  • Các yếu tố cứng (Hard elements): Strategy (Chiến lược), Structure (Cấu trúc), Systems (Hệ thống)
  • Các yếu tố mềm (Soft elements): Shared Values (Giá trị chung), Skills (Kỹ năng), Style (Phong cách), Staff (Nhân viên)

2. 7 nhân tố quan trọng trong mô hình 7S của MC Kinsey

Để hiểu rõ hơn về mô hình 7S của MC Kinsey thì hãy cùng Khởi nghiệp 24H khám phá sâu hơn về 7 chữ S trong mô hình này nhé.

mo-hinh-7s-cua--mc- kinsey

(1) Chiến lược (Strategy)

Chiến lược là bản kế hoạch của một công ty phát triển nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Nó bao gồm một chuỗi các quyết định và các bước hành động cần thiết để doanh nghiệp phản ứng với những thay đổi từ môi trường bên ngoài ví dụ như khách hàng và đối thủ cạnh tranh.

Một chiến lược hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp có thể tìm kiếm nhiều hơn các cơ hội bên ngoài và phát triển những nguồn lực hoặc khả năng cần thiết để biến sự thay đổi từ môi trường thành lợi thế cạnh tranh mới.

(2) Cấu trúc (Structure)

Cấu trúc là sơ đồ tổ chức của công ty. Cụ thể, nó thể hiện cách các đơn vị, các bộ phận khác nhau trong công ty được tổ chức, liên kết và hoạt động với nhau cũng như nhiệm vụ và trách nhiệm của từng cá nhân. So với các yếu tố khác, yếu tố này dễ thấy và dễ thay đổi hơn.

(3) Hệ thống (Systems)

Hệ thống là nhân tố cứng trong mô hình 7S của MC Kinsey. Cụ thể, đây là những hoạt động chính và phụ nằm trong một phần các hoạt động hàng ngày của công ty. Hệ thống bao gồm các quy trình như phát triển sản phẩm, các hoạt động hỗ trợ như quản trị nguồn nhân lực, kế toán… Hay hiểu đơn giản hệ thống là cách nhân sự trong công ty giải quyết và thực hiện các công việc được giao.

(4) Kỹ năng (Skills)

Kỹ năng bao gồm năng lực và khả năng của nhân sự trong tổ chức. Năng lực hoặc kỹ năng cốt lõi của nhân viên là những yếu tố vô hình nhưng chúng đóng vai trò chính trong việc đạt được lợi thế cạnh tranh bền vững. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tìm ra kỹ năng mà một nhân viên hay đội nhóm cần phải có để củng cố chiến lược hoặc cấu trúc mới.

(5) Nhân viên (Staff)

Tài sản giá trị nhất đối với bất kỳ tổ chức nào chính là nhân viên hoặc nguồn nhân lực. Nhân viên trong mô hình 7S của MC Kinsey thường đề cập đến: số lượng nhân viên, năng lực và nhiệm vụ công việc họ cần hoàn thành, các giải pháp tuyển dụng, đào tạo, động viên và khen thưởng để nâng cao chất lượng nhân sự,…

(6) Phong cách (Style)

Yếu tố phong cách trong mô hình 7S của MC Kinsey phản ánh phong cách lãnh đạo, quản lý, cách tương tác, ứng xử với nhân viên của cấp trên.

(7) Giá trị chia sẻ (Shared values)

    Các giá trị được chia sẻ là thành phần cốt lõi của mô hình 7S. Yếu tố này đề cập đến hệ thống giá trị, tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức, thái độ và niềm tin của doanh nghiệp. Đây được coi là thành phần cơ bản nhất của một tổ chức để cung cấp nền tảng cho sáu yếu tố khác.

    3. 5 bước ứng dụng mô hình 7S của MC Kinsey vào doanh nghiệp

    mo-hinh-7s-cua-mc-kinsey

    Mô hình 7S của MC Kinsey có thể được sử dụng để phân tích và xác định khoảng cách giữa những gì công ty hiện đang làm và những gì công ty cần làm để thực hiện thành công chiến lược đề ra. Sau dây 5 bước ứng dụng mô hình 7S của MC Kinsey trong doanh nghiệp:

    • Bước 1: Phân tích thực trạng doanh nghiệp hiện tại

    Bước đầu tiên bạn sẽ cần hiểu tình hình hiện tại của tổ chức liên quan đến 7 nhân tố trong mô hình 7S của MC Kinsey và phân tích các yếu tố một cách chặt chẽ để giúp bạn hiểu rõ hơn các yếu tố này có được căn chỉnh một cách hiệu quả hay không.

    • Bước 2: Xác định mục tiêu mà doanh nghiệp muốn đạt được

    Xác định tương lai mà công ty muốn và thiết kế tổ chức tối ưu mà bạn muốn đạt được thông qua sự trợ giúp của quản lý cấp cao. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng đặt mục tiêu và đưa ra kế hoạch hành động vững chắc để thực hiện chiến lược.

    Bạn sẽ cần phải thu thập dữ liệu và có cái nhìn rộng lớn hơn về thị trường kinh doanh thông qua nghiên cứu về cách thiết kế tổ chức của các đối thủ cạnh tranh và cách họ đối phó với sự thay đổi cơ cấu tổ chức.

    • Bước 3: Xây dựng kế hoạch hành động (Action Plan)

    Ở bước này, doanh nghiệp cần phải xây dựng và xác định được những phần nào cần được thiết kế lại và công ty sẽ thực hiện điều đó như thế nào hoặc bằng các phương án nào. Bước này cần có một kế hoạch hành động thực hiện chi tiết liệt kê các bước cụ thể hơn mà bạn cần thực hiện để đạt được các mục tiêu mong muốn.

    • Bước 4: Thực thi kế hoạch hành động

    Một kế hoạch hành động có thành công hay không phụ thuộc vào người triển khai chúng. Vì vậy, bạn cần bảo đảm rằng bạn đã phân bổ nguồn lực đúng và giao nhiệm vụ cho đúng nhân viên để họ có thể phát huy tối đa thế mạnh của mình từ đó giúp doanh nghiệp đạt được thành công. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thuê các chuyên gia để tư vấn và hướng dẫn thực hiện quá trình trên.

    • Bước 5: Kiểm tra và điều chỉnh 7 yếu tố trong mô hình 7S

    7 yếu tố trong mô hình 7S của MC Kinsey có thể thay đổi liên tục nên việc xem xét và điều chỉnh các nhân tố định kỳ là điều vô cùng cần thiết. Mỗi thay đổi trong một yếu tố sẽ ảnh hưởng đến tất cả các yếu tố khác nên bạn sẽ luôn cần triển khai một thiết kế tổ chức mới. Thường xuyên xem xét chiến lược và các vấn đề có thể phát sinh để đưa ra các biện pháp khắc phục hợp lý.

    4. Ưu nhược điểm của mô hình 7S của MC Kinsey

    Ưu điểm của mô hình 7S của MC Kinsey:

    • Thực hiện các chiến lược mới thành công
    • Phân tích các bộ phận chủ chốt trong doanh nghiệp bạn phối hợp với nhau như thế nào
    • Tạo điều kiện thuận lợi cho những thay đổi trong tổ chức
    • Giúp sắp xếp các quy trình trong quá trình sáp nhập hoặc mua lại doanh nghiệp
    • Hỗ trợ tư duy quản lý trong quá trình thực hiện chiến lược và quản lý

    Nhược điểm của mô hình 7S của MC Kinsey:

    • Đòi hỏi doanh nghiệp phải tiêu tốn nhiều thời gian để thực hiện các nghiên cứu
    • Chỉ tập trung vào các yếu tố bên trong mà không chú ý đến các yếu tố bên ngoài do đó nó có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bạn
    • Yêu cầu sự giúp đỡ từ các quản lý cấp cao

     5. Kết luận về mô hình 7S của MC Kinsey

    Mô hình quản trị 7S của MC Kinsey giúp có thể xem xét sự phù hợp của chiến lược, giúp sắp xếp các quy trình, hệ thống, con người và các giá trị của một tổ chức, giúp các doanh nghiệp có thể xác định cách họ nên sắp xếp, phân bổ nguồn lực quan trọng sao cho hợp lý để đạt được mục tiêu của doanh nghiệp đã đề ra. Tuy nhiên, để có thể áp dụng hiệu quả mô hình 7S của MC Kinsey, doanh nghiệp cần triển khai bài bản, chặt chẽ. Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp lớn áp dụng thành công mô hình 7S của MC Kinsey này như McDonald’s, Coca Cola,…

    Hy vọng với những chia sẻ trên, Khởi nghiệp 24H cung cấp cho bạn những thông tin, kiến thức hữu ích về mô hình 7S của MC Kinsey nổi tiếng này. Nếu thấy bài viết này hữu ích, hãy theo dõi trang Kinh doanh khởi nghiệp nhé!

    Xem thêm tại: Khởi nghiệp 24H